Tiểu sử Bát_Bất_Sa

Bát Bất Sa thuộc tộc Nãi Mã Chân thị (乃馬真氏). Thân phụ không rõ; thân mẫu là Thọ Ninh Công chúa (壽寧公主), con gái Cam Ma Lạt (sau truy phong Nguyên Hiển Tông), chị em của Nguyên Thái Định Đế. Theo Tân Nguyên sử, bà và Tát Đáp Bát Lạt, Hoàng hậu của Nguyên Thái Định Đế là chị em ruột.

Xét vai vế gia tộc, bà là cháu gọi Nguyên Nhân Tông, Nguyên Vũ Tông, Nguyên Thái Định Đế bằng cậu; là chị em họ của các vị Hoàng đế Nguyên Anh Tông, Nguyên Thiên Thuận Đế, Nguyên Minh Tông, Nguyên Văn Tông và các vị Hoàng hậu Tốc Ca Bát Lạt, Diệc Liên Chân Bát Lạt, Bốc Đáp Thất Lý. Nhìn chung, xuất thân của bà khá hiển hách vì có quan hệ họ hàng với nhiều thành viên hoàng tộc.

Không rõ năm bà gả cho Hòa Thế Lạt. Trước bà, Hòa Thế Lạt đã lấy Mại Lai Địch thuộc tộc Hãn Lộc Lỗ thị, sinh Trưởng tử Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ (sau là Nguyên Huệ Tông). Năm Chí Trị nguyên niên (1320), Mại Lai Địch mất, Bát Bất Sa trở thành Kế thê. Năm Thái Định thứ 3 (1326), bà sinh Ý Lân Chất Ban (sau là Nguyên Ninh Tông).

Năm 1329, Nguyên Thiên Thuận Đế thua trận và bị cướp ngôi bởi Đồ Thiếp Mục Nhi, em trai Hòa Thế Lạt. Đồ Thiếp Mục Nhi lên ngôi, tức Nguyên Văn Tông. Thế nhưng Hòa Thế Lạt được ủng hộ bởi các Thân vương và tướng lĩnh Mông Cổ cũng như Hãn quốc Sát Hợp Đài. Trước tình thế đó, Nguyên Văn Tông đành phải nhường ngôi cho Hòa Thế Lạt, tức Nguyên Minh Tông. Bát Bất Sa được sách lập [Trung cung Hoàng hậu] và nhận sách bảo.

Tháng 8 cùng năm, Minh Tông đột ngột băng hà sau khi dùng tiệc với Văn Tông, rất có thể Văn Tông và Yên Thiếp Mộc Nhi âm mưu hạ độc. Văn Tông phục vị, lập Bốc Đáp Thất Lý làm Trung cung Hoàng hậu. Bát Bất Sa là hoàng tẩu nên vẫn giữ danh xưng Hoàng hậu, nhưng vô cùng thất thế và bị Bốc Đáp Thất Lý chèn ép[2].